Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

10 thói quen đơn giản sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội của bạn

Không những vậy, giao tiếp hiệu quả giúp bạn dễ thành đạt hơn trên con đường sự nghiệp của mình, chiếm được ưu thế hơn trong các cuộc phỏng vấn, đàm phán thương lượng và thuyết phục đối phương.

Cách tốt nhất để cải thiện kỹ năng giao tiếp xã hội là gì? Dưới đây là một số ý tưởng về kỹ năng giao tiếp xã hội nói chung, và những điều này cũng giúp ích cho việc bán hàng:

 kỹ năng giao tiếp xã hội


1. Hãy lắng nghe

Đây là kỹ năng thứ nhất cần chú ý, vì một lý do lớn: Hầu hết mọi người đều thích nói hơn là thích nghe. Phần đông sẽ cố gắng làm cho tiếng nói của mình nổi bật trong đám đông hơn là chú ý lắng nghe người khác. Thế nên, khi bạn là người duy nhất đưa ra câu hỏi và chăm chú lắng nghe, thì bạn sẽ thật sự nổi bật.

2. Hãy quan tâm đến câu chuyện người khác đang nói

Hầu hết chúng ta đều có một phần tự yêu bản thân mình, cho nên bạn sẽ dễ dàng ưa thích người quan tâm đến những câu chuyện của bạn. Những người quan tâm đến câu chuyện của người khác thường được đánh giá là người thú vị. Bạn sẽ thích những người biết đặt ra các câu hỏi, thích học hỏi những điều mà họ chưa biết từ người đối thoại. Dựa trên quan điểm này, chương trình “Tell Me Something I Don’t Know ” được Stephen J. Dubner, tác giả quyển sách “Kinh tế học hài hước” (Freakonomics) chủ trì đã thu hút được rất nhiều khán giả khi phát sóng trực tiếp và cả qua Poscast – một ứng dụng của Apple.

3. Bạn chỉ thích ứng với đối thoại đơn lẻ, hay có thể nói trước đám đông?

Đây là một sự khác biệt quan trọng, khi bạn biết bạn có khả năng thích ứng trong hoàn cảnh nào, bạn sẽ tạo ra môi trường tốt nhất cho các kỹ năng trong giao tiếp xã hội của mình tỏa sáng. Nếu bạn có khả năng kết nối đơn lẻ, thì chắc rằng lúc nào bạn cũng có thể có những cuộc trò chuyện sâu sắc và ấn tượng.

Gợi ý nhỏ: Hãy thuận theo cảm giác của mình và đặt ra những câu hỏi. Loại tương tác nào thích hợp với mình hơn? Bạn đã kết bạn theo cách nào? Những cuộc nói chuyện dạng nào khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn?

4. Đừng quá tiêu cực, đừng mỉa mai cũng đừng phàn nàn

Tiêu cực, mỉa mai, phàn nàn – những hành vi này được xem là rất khiếm nhã. Chúng ta thường bị công phá bởi sợ hãi, tiêu cực và những gì tồi tệ đang diễn ra hàng ngày (thông qua tin tức), đó là lý do tại sao người tốt bụng, nhân ái, vui vẻ, hài hước luôn được yêu mến hơn là những người lúc nào cũng tiêu cực. Bạn đưa sự tiêu cực của bản thân ra ngoài thì giống như đang bán băng cho người Eskimo, không ai muốn mua cả.

5. Hãy ghi nhớ tên của những người bạn đã gặp

Có một số người nói họ có trí nhớ không tốt, họ không thể nhớ được tên của những người mà mình đã gặp. Thế nên, Jim Kwik, chuyên gia về trí nhớ và đọc nhanh, người sáng lập SuperheroYou đã đưa ra một bài kiểm tra để chứng minh việc không thể nhớ tên người khác là sai. Kwik nói: “Bạn sẽ nhận được một nghìn đô la nếu bạn nhớ tên anh chàng này. Bạn có thể nhớ được không? Câu trả lời chắc chắn là bạn sẽ nhớ được chính xác cả tên cả họ của anh ta luôn ấy chứ”. Vì vậy, đây không phải là vấn đề ở bộ não bạn có thể lưu giữ được ký ức hay không, mà vấn đề ở động lực. Nếu bạn muốn nhớ bạn sẽ có thể nhớ. Hãy cố gắng ghi nhớ tên của những người mình đã gặp, có thể bạn sẽ nhớ đến những đặc điểm cá nhân riêng biệt để ghi nhớ tên của họ. Mọi người sẽ thích trò chuyện với người có thể gọi tên mình chính xác.

6. Ghi nhớ nội dung trò chuyện

Mục đích của lắng nghe chính là ghi nhớ nội dung. Và đó chính là nền tảng của việc kết nối, bắt đầu những cuộc trò chuyện hoặc bắt đầu một tình bạn. Hãy ghi nhớ tên của các thành viên trong gia đình họ, thú cưng của họ là gì, sở thích, chi tiết về công việc, những gì họ đang theo đuổi… hãy cố gắng nhớ càng nhiều càng tốt. Mọi người có khuynh hướng ưa thích những người lắng nghe và nhớ đến câu chuyện của  họ.

7. Đừng cố nói chen vào

Đối thoại chính là đến từ hai phía, như một con đường hai chiều. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần  một câu như: “Wow, sao hay vậy” là cũng đủ để cuộc trò chuyện tiếp tục rồi. Bạn không cần phải đưa ra câu chuyện tiếp theo, đưa ra câu trả lời hoặc cho ý kiến… Hãy chỉ hỏi những câu hỏi trong lúc câu chuyện chùng xuống, còn lại thì bạn nên gật đầu và im lặng. Nếu bạn nói chuyện với một người thích nói và nói không ngừng, chắc rằng sẽ rất mệt mỏi và bạn chỉ muốn được nghỉ ngơi, muốn được một mình để nạp lại năng lượng đã mất.

8. Sự liên tục trong giao tiếp

Trong các mối quan hệ xã hội, mọi người thường nghĩ rằng phương pháp tốt nhất để chi phối chính là can đảm tiến lên tiếp cận và mở đầu câu chuyện trước. Thật ra điều này không đúng. Đó chỉ là bước đầu để xây dựng mối quan hệ. Còn thực sự có tác dụng duy trì mối quan hệ lâu dài, chính là sự liên tục. Xây dựng một mối quan hệ chính là dựa trên sự liên tục tiếp xúc, là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút.

Hãy nhớ lại người mà bạn đã gặp thích gì, bạn có thể gửi cho họ một bài báo có liên quan đến sở thích của họ, hoặc gửi một bài nói chuyện trên mạng, một cuộc hội thảo hoặc những đoạn ghi âm trên podcast. Tốt hơn nữa, trong những cuộc nói chuyện, bạn có thể đưa ra những ý kiến hữu ích. Khi bạn hứa hẹn sẽ gửi những liên kết, công thức, cách thức liên hệ với một ai đó, v.v… thì bạn hãy nhớ thực hiện đúng lời hứa của mình một cách nghiêm túc. Điều này cho thấy rằng  bạn là người chu đáo, siêng năng, nhất quán và đáng tin cậy. Chắc hẳn có không ít lần bạn được hứa hẹn từ người khác rằng họ sẽ gửi cho bạn gì đó sau nhưng rốt cuộc bạn chẳng nhận được gì. Những người thật sự duy trì các mối quan hệ một cách nghiêm túc rất hiếm và đáng quý.

9. Biết khi nào nên rời đi

Không ai muốn nói chuyện với một người quá lâu trong nhiều giờ. Để có một cuộc nói chuyện tốt đẹp, bạn nên biết dừng lại đúng lúc. Không nên chỉ trò chuyện với một người.

10. Tất cả nằm ở sự yêu thương

Điều cuối cùng nhưng rất quan trọng chính là sự yêu thương, phần quan trọng để duy trì và củng cố các mối quan hệ trong xã hội. Mẹo quan trọng để có những mối quan hệ bền vững chính là sự yêu thương. Bạn hãy yêu thương, tôn trọng, ngưỡng mộ người khác, hãy quan tâm đến những gì họ trải qua, khen ngợi họ, nhìn thấy mặt tốt của họ, tha thứ, không đánh giá, giúp đỡ người khác, yêu thương tất cả mọi người. Yêu thương chính là chìa khóa để mở tất cả các cánh cửa đi đến các mối quan hệ trong xã hội này.

Theo Inc.
Thanh Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét