Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2018

Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả?

Các thầy cô dạy tiếng Anh chỉ để thi là chính, không đầu tư kỹ năng khác như nghe và nói. Nguyên nhân này góp phần làm cho chất lượng dạy tiếng anh giảm theo.

LTS: Tiến sĩ Lê Quốc Chơn đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ chỉ ra một số nguyên nhân cũng như giải pháp nhằm giúp cho việc dạy tiếng Anh ở Việt Nam đạt hiệu quả hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.


Trước hết chúng ta cần khẳng định mục đích học tiếng Anh là để sử dụng và một phần vì niềm vui. Không ai trong số chúng ta học tiếng Anh để đi thi. Và thi chỉ là một hình thức đánh giá được sử dụng để kiểm tra chất lượng dạy và học mà thôi.

Do đó, việc dạy và học tiếng Anh và hình thức đánh giá hiệu quả dạy - học cần được thực hiện để hướng đến mục đích sử dụng và vẻ đẹp của ngôn ngữ.

Một số ích lợi của học tiếng Anh


Học tiếng Anh quan trọng vì nó góp phần đưa người Việt tiếp xúc với văn hóa thế giới. Giỏi tiếng Anh cũng giúp người học dễ có việc làm hơn và cơ hội trong cuộc sống cũng nhiều hơn, đặc biệt trong thời giao thương toàn cầu như ngày nay.

Hiện nay, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp – ngôn ngữ thương mại. [1]

Và theo nghiên cứu của EF, thì các nước sử dụng tốt tiếng Anh thì có chất lượng cuộc sống tốt hơn (xem Hình 1, 2). [2]


Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả?
Mức độ thông thạo tiếng Anh với thu nhập (báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2016).

Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả?
Mức độ thông thạo tiếng Anh với chất lượng cuộc sống (báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2016).

Người Việt học tiếng Anh từ khi nào và hiệu quả ra sao?


Có thể, lần đầu tiên người Việt tiếp xúc với ngôn ngữ Anh là ở thế kỷ 19.

Ông Trương Vĩnh Ký, người nổi tiếng và biết nhiều ngôn ngữ bậc nhất ở Việt Nam, học tiếng Anh không phải ở Việt Nam mà là ở Penang, Malaysia (theo Wikipedia).

Dưới thời Pháp đô hộ, có thể người Việt bắt đầu học tiếng Anh chủ yếu trong trường thông ngôn (collège des interprètes) được thành lập năm 1860. [3]

Trước năm 1959, dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, học sinh ở miền Nam có thể chọn học ngoại ngữ là tiếng Anh từ lớp 6 (Trung học đệ nhất cấp) (theo wikipedia). Trong cùng thời kỳ đó ở miền Bắc chỉ một số rất ít nơi nơi dạy tiếng Anh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, từ năm 1975 đến khoảng 1986 số lượng học sinh chọn học tiếng anh như ngoại ngữ thứ hai cũng không nhiều.

Khi bắt đầu thời kỳ đổi mới (khoảng năm 1986), tiếng Anh mới thực sự trở thành ngoại ngữ chính ở trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và là một trong các môn học quan trọng được chọn làm môn thi ở kỳ thi chuyển cấp.

Tuy nhiên, dường như kết quả dạy và học từ đó đến mãi những năm đầu thế kỷ 21 vẫn không đạt kết quả tốt như mong đợi.
Đó là lí do vì sao Chính Phủ cho thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020 kèm theo đầu tư gần 10 nghìn tỉ đồng (1400/QĐ-TTg, 2008).

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chưa đạt được kết quả như mong muốn và tình trạng dạy và học tiếng Anh không hiệu quả đã được nhắc đến nhiều lần từ các kết quả khảo sát, đánh giá khác nhau:

Theo kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tổng số bài thi môn tiếng Anh là 472.000 bài, nhưng số bài đạt điểm từ 9 đến 10 chỉ chiếm 0.52%, điểm trung bình là 3,48.

Năm 2017, điểm trung bình của thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là 4.6.

Và năm 2018, cả nước có 637.335 thí sinh thi môn tiếng Anh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và điểm trung bình là 3.91.

Kết quả thi trung học phổ thông quốc gia một phần cho thấy kết quả dạy học tiếng Anh ở trường chưa được như mong muốn. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng, điểm thi còn phụ thuộc vào hình thức đánh giá.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia thì chỉ đánh giá một kỹ năng duy nhất – đọc, chứ không đánh giá kỹ năng nghe, nói và viết.

Do đó, kết quả đánh giá kỳ thi trung học phổ thông quốc gia chỉ phản ánh một phần hiệu quả dạy và học ở các cấp học, đặt biệt là trung học phổ thông quốc gia mà thôi.

Theo báo cáo của EF vào năm 2018 thì mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt được xếp hạng ở vị trí 41 trong số 88 quốc gia, thuộc mức độ thông thạo trung bình (EF EPI 2018). Việt Nam đứng trên Nga và dưới Uruguay.

Trong bảng xếp hạng này, tốp ba quốc gia tốt nhất lần lượt là Thụy Điển, Hà Lan và Singapore; hai nước có mức độ thành thạo thấp nhất là Iraq và Lybia.

Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả
Xếp hạng một số quốc gia theo mức độ thành thạo Tiếng Anh (theo báo cáo của EF năm 2018). Kết quả của báo cáo này dựa trên thi khảo sát với 1.3 triệu người, trong đó 92% số người dưới 40 tuổi và độ tuổi trung bình là 26 tuổi, trong đó 60% là nữ và 40% là nam. Bài kiểm tra mất 15, 50 phút hoặc 2 giờ, và chỉ có hai kỹ năng đọc và nghe.
Tại sao dạy tiếng Anh ở Việt Nam không hiệu quả
Nghiên cứu của EF xếp hạng mức độ thông thạo theo 5 mức độ, từ rất cao đến rất thấp (báo cáo của EF năm 2018). Mức độ rất cao trong báo cáo EF tương ứng với cấp độ B2 trở lên trong khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ Châu Âu (CEFR). Và mức độ trung bình là tương ứng với cấp độ B1.


Xếp hạng một số quốc gia theo mức độ thành thạo Tiếng Anh (theo báo cáo của EF năm 2018). Kết quả của báo cáo này dựa trên thi khảo sát với 1.3 triệu người, trong đó 92% số người dưới 40 tuổi và độ tuổi trung bình là 26 tuổi, trong đó 60% là nữ và 40% là nam. Bài kiểm tra mất 15, 50 phút hoặc 2 giờ, và chỉ có hai kỹ năng đọc và nghe.

Nghiên cứu của EF xếp hạng mức độ thông thạo theo 5 mức độ, từ rất cao đến rất thấp (báo cáo của EF năm 2018). Mức độ rất cao trong báo cáo EF tương ứng với cấp độ B2 trở lên trong khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ Châu Âu (CEFR). Và mức độ trung bình là tương ứng với cấp độ B1.
Theo thông tin từ Đại học Đà Nẵng [4], năm 2012 khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên còn yếu; chỉ khoảng 20-30% sinh viên có thể theo học tiếng anh ở trường đại học, phần còn lại phải học các lớp dự bị trước khi vào học lớp tiếng anh chính thức.

Theo thông tin từ doanh nghiệp thì trình độ tiếng anh của sinh viên ra trường chưa đáp ứng tốt nhu cầu trong công việc; chủ yếu đọc hiểu được tài liệu, nhưng kỹ năng giao tiếp, viết, và thuyết trình còn yếu. [5]

Tại Hội Nghị “Chuẩn trình độ tiếng Anh tại Trường đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp” năm 2017, trình độ tiếng Anh của phần đông sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. [6] 

Các hình thức đánh giá có phần khác nhau, nhưng phản ánh bức tranh chung về việc dạy và học tiếng Anh không hiệu quả trong hệ thống giáo dục nước ta.

Vậy tại sao dạy và học tiếng Anh ở nước ta không hiệu quả mặc dù đã được đầu tư?

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng không hiệu quả


Hình thức đánh giá hiệu quả dạy học chỉ tập trung vào đọc hiểu, nhất là các kỳ thi chuyển cấp. Do đó, cả hệ thống giáo dục chưa đầu tư thật sự hiệu quả để dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ như nghe, nói và viết.

Các thầy cô giáo dạy tiếng Anh chỉ để thi là chính, nên họ không đầu tư kỹ năng khác đặc biệt là nghe và nói.

Nguyên nhân này cũng góp phần làm cho chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh thực hành giảm theo thời gian.

Quy mô lớp học đông (trên 35 học sinh/lớp) và không có công nghệ hỗ trợ nên khó có thể dạy kỹ năng thực hành ngôn ngữ hiệu quả.

Động lực học tiếng Anh của học sinh và sinh viên chủ yếu là học để vượt kỳ thi chứ chưa hướng đến kỹ năng thực hành ngôn ngữ trong thực tế.
Tại sao học sinh và sinh viên không học các kỹ năng thực hành ngôn ngữ? Có thể họ muốn giỏi ngoại ngữ thực hành nhưng do áp lực thi cử buộc họ phải học để thi.

Nhu cầu thực tế trong công việc có thực sự sử dụng tiếng Anh không? Tất nhiên người biết ngoại ngữ họ sẽ sử dụng cho công việc, nhưng vấn đề nằm ở chỗ dù không biết ngoại ngữ họ vấn có thể làm việc được và đặc biệt là đáp ứng được các tiêu chuẩn trong tuyển dụng.

Như trong hệ thống hành chính công, Nhà nước quy định các bằng cấp anh văn như A, B, C mà không chú trọng đến năng lực thực hành và đa số các ứng viên đều đáp ứng được.

Có thể thấy rằng, dường như yêu cầu về ngoại ngữ ở nơi làm việc thuộc Nhà nước quản lý chỉ là bằng cấp.

Thực vậy, nghiên cứu của Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hương năm 2012 tại Thái Bình và Đà Nẵng cho thấy trong số 282 công nhân viên chức, thì 70% trong số họ không sử dụng ngoại ngữ trong công việc. [7]

Có phải năng lực học tiếng anh của người Việt thấp không?


Không. Khả năng học ngôn ngữ tự nhiên là luôn sẵn có trong mỗi người bình thường, ai sử dụng được tiếng Việt bình thường thì đều có khả năng học tiếng Anh bình thường.

Những đứa trẻ sống trong môi trường ngôn ngữ nào thì sẽ phát triển khả năng sử dụng ngôn ngữ ấy một cách tự nhiên. [8-10]

Trẻ em gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Anh, Mỹ…họ nói tiếng anh lưu loát như người bản ngữ. [11]

Nếu họ sinh ra và lớn lên ở các nước như Pháp, Đức…họ cũng sẽ nói tiếng bản địa lưu loát như người bản địa.

Điều này chứng tỏ, học ngoại ngữ như tiếng Anh không hiệu quả là do nguyên nhân từ cách dạy và cách học trong môi trường giáo dục chứ không phải do khả năng học hạn chế.

Giải pháp nào để học tiếng Anh hiệu quả hơn?


Vì cả người học và người dạy đều hướng đến thi nên cách dễ nhất và nhanh nhất đó là thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, thi trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân.

Hãy kiểm tra, đánh giá, thi tất cả các kỹ năng thực hành ngoại ngữ ở các cấp bậc khác nhau. Tùy theo lứa tuổi và cấp học, chúng ta nên có hình thức dạy và kiểm tra đánh giá như sau:

Giai đoạn
Hình thức học
Hình thức đánh giá, thi
Giai đoạn 1: từ 7 tuổi – 12 tuổi (lớp 1 đến hết lớp 6)
Học 40% thời lượng nghe và 60% phát âm và giao tiếp.
Phát âm, nghe và nói
Giai đoạn 2: từ 13 – 15 tuổi (lớp 7 đến hết lớp 9)
Học 50% nghe nói, và 50% đọc
Nghe, nói và đọc
Giai đoạn 3: từ 16 đến 18 tuổi (lớp 10 đến hết lớp 12)
Học 50% nghe nói, 20% đọc và 30% viết
Nghe, nói, đọc và viết
Giai đoạn 4: sau 18 tuổi
Học 30% nghe nói, 20% đọc và 50% viết
Nghe, nói, đọc và viết

Ngoài ra, trong tuyển dụng của các cơ quan Nhà nước, ứng viên cần trải qua các kiểm tra đánh giá năng lực thực hành: nghe, nói, đọc, viết. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cách làm riêng của họ.

Tất nhiên khi thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá thi cử, Nhà nước buộc phải có các hình thức đào tạo phát triển nghiệp vụ cho người dạy, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu dạy và học tiếng Anh.

Đây là những vấn đề kỹ thuật, không khó để thực hiện. Và câu chuyện về học tiếng Anh có thể bớt nóng hơn trên truyền thông từ đây.

>> Nguồn: Giáo dục Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét